Cây trạch tả hay còn gọi là cây vợi, mã đề nước, cây hẹ nước. Tên khoa học là Alisma plantago Aqualica L. họ Trạch Tả (Alismatalaceae).

Là loại cây cỏ thủy sinh, thường mọc thành đám ở ruộng, các ao hồ nước nông, kênh rạch, bờ suối, ruộng trũng có nước quanh năm. Nhân dân nhiều nơi thường lấy cây này dùng làm rau ăn (thân và lá rửa sạch, luộc qua rồi xào hoặc nấu canh ăn).

Gốc và rễ ngập trong bùn, lá mềm hình bầu dục, mọc thành cụm ở gốc. Hoa lưỡng tính mọc trên cuống dài, màu trắng, tím nhạt hoặc trắng đục. Quả hình cầu. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thân rễ (thường gọi là củ) bỏ hết rễ, rửa sạch rồi phơi sấy khô.

Thân củ chế biến phơi hay sấy khô của cây trạch tả (Alisma Plantago-aquatica L var orientalis Samuels), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách “Bản kinh”. Củ to tròn chắc, trong trắng hoặc hơi vàng, hơi xốp; không thối, mốc, mọt là tốt.

Liều dùng mỗi ngày 8 – 16g

8trachta

Dưới đây là một số phương thuốc theo kinh nghiệm dân gian

* Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu: Trạch tả 12g, sinh địa 15g; long đởm thảo, sơn chi tử, hoàng cầm, sài hồ, mẫu đơn bì, tri mẫu, cúc hoa, mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc trạch tả 15g, bạch truật 6g, cúc hoa 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. uống trong ngày. Dùng trong 7 – 10 ngày.

* Chữa ho do viêm họng: Lá trạch tả 30g, lá húng chanh 30g, gừng tươi 5g. Sắc khoảng 300ml nước còn 50ml. Uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Uống trong 5 ngày.

* Làm mát gan: Trạch tả, bạch phục linh, mẫu đơn bì, sơn thù du, mỗi vị 10g; thục địa và hoài sơn, mỗi vị 12g. Tất cả sao vàng, tán bột chế thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 8- 10 viên. Uống trong 10 ngày.

* Dùng làm thuốc lợi tiểu thông lâm, trị các chứng phù, viêm đường tiết niệu, viêm thận. Chọn 1 trong các bài sau:

– Trạch tả 10g, Xa tiền thảo 10g, Trư linh 10g, Thạch vỹ 10g, Mộc thông 6g, Bạch mao căn 15g, sắc nước uống.

– Trạch tả, Bạch linh, Trư linh, Xa tiền tử đều 12g, sắc nước uống. Trị viêm cầu thận cấp.

– Trạch tả, Bạch truật đều 10g, Cúc hoa 12g, sắc uống trị viêm thận mạn, váng đầu.

* Trị tiêu chảy do viêm ruột cấp và mạn tính. Chọn 1 trong các bài sau:

– Bạch truật 10g, Bạch linh 10g, Trần bì 6g, Cam thảo 3g, Trạch tả 10g, Sa nhân 3g, Thần khúc 10g, Mạch nha 10g, sắc nước uống, tùy chứng gia giảm.

– Trạch tả, Trư linh, Xích phục linh đều 10g, Bạch đầu ông 15g, Xa tiền tử 6g, sắc uống trị viêm ruột cấp.

* Hỗ trợ điều trị phù thũng do thận: Lá trạch tả 30g, thân cây sậy 100g, râu ngô 100g. Sắc với 700ml nước, còn 150ml chia uống hai lần trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 10 ngày. Hoặc trạch tả, bạch phục linh, trư linh, hạt mã đề mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

* Hạ sốt do cảm nóng: Lá trạch tả 20g, cỏ mần trầu 25g, lá tre 30g. Các vị thuốc trên đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Dùng trong 2 ngày.

* Trị lipid huyết cao: Tác giả dùng viên Trạch tả chế (hàm lượng thuốc sống mỗi viên 3g), mỗi ngày 9 viên chia 3 lần uống, liệu trình 1 tháng. Kết quả theo dõi 110 ca lipid huyết cao trong đó 44 ca cholesterol cao lượng bình quân từ 258,4mg% hạ xuống còn bình quân 235,2mg%; 103 ca triglycerit tăng từ bình quân 337,1mg% xuống còn bình quân 258,0mg%, bình quân giảm 23,5mg% trong đó số hạ thấp trên 10% chiếm 65%, hạ thấp trên 30% chiếm 40,8%, có 18,4% hạ thấp trên 50% (Báo cáo của Bệnh viện Trung sơn thuộc Viện Y học số 1 Thượng Hải, Báo Y học Trung hoa 1976,11:693).

* Trị chứng huyễn vựng: Tác giả Dương Phúc Thành dùng trạch tả thang gồm trạch tả 30 – 60g, Bạch truật 10 – 15g, ngày 1 thang sắc chia 2 lần uống. Theo dõi 55 ca, uống từ 1 – 9 thang có tùy chứng gia vị kết quả đều khỏi (Tạp chí Trung Y Hồ Bắc 1988, 6:14).

Kiêng kỵ: Can  Thận  hư không thấp nhiệt thì không nên dùng.