Điều là cây nhiệt đới, xanh quanh năm, cao 6 – 14m, thân ngắn cành dài, lá đơn nguyên hình trứng tròn đều, hoa nhỏ mọc thành chuỳ. Quả thật là một loại quả khô, hình quả thận, nặng 5 – 9g, vỏ mầu xám, cuống quả phình to bằng quả trứng màu vàng, đỏ hay trắng, làm cho ta có cảm giác phần cuống quả phình ra là quả và quả thật là hạt do đó có tên là “Đào lộn hột”.

Điều gốc ở Braxin nhưng các nước trồng nhiều nhất lại là Ấn Độ, Việt Nam, Tanzanai, Mozambic. Điều phát triển ở vùng nóng ẩm và nửa khô hạn. Cây không chịu được giá rét, dưới 7 – 8oC cây ngừng sinh trưởng do đó Điều chỉ phát triển tốt ở miền Nam nước ta. Điều sống được trên đất cằn cỗi, nghèo kiệt, trên đất cát do đó người ta còn trồng Điều làm cây phủ đất trồng đồi trọc, để chắn cát, giữ cho cồn cát khỏi bị gió thổi bay, để làm hàng rào chắn gió, để chống lửa rừng vì cây Điều lá rậm che kín mặt đất làm cho cỏ không mọc được do đó khi có lửa rừng không có cỏ khô trên mặt đất để bắt lửa.

Điều được trồng ở miền Nam từ lâu nhưng trước năm 1975 Việt Nam chưa có mặt trên thị trường Điều thế giới. Mấy năm gần đây trồng và chế biến Điều phát triển mạnh do đó hiện nay Việt Nam là một trong các nước trồng và xuất khẩu nhiều hạt Điều nhất thế giới.

tc46hn7

Quả Điều có rất nhiều dinh dưỡng. Quả thật gồm có vỏ và nhân hạt. Vỏ là lớp vỏ bao quanh nhân, vỏ chiếm 69%, nhân chiếm 26% trọng lượng quả thực. Thành phần chủ yếu của vỏ là cardol và anacardic. Trong 100g nhân hạt có 45g lipit, 26g đường bột, 21g protein (nhiều hơn lạc), 2,5% muối khoáng và nhiều Vitamin A1 , B1, B2, B6, PP, E. Quả giả (cuống phình to) chiếm 90% trọng lượng cả quả, quả thật chiếm 10% trọng lượng cả quả, nhân chiếm 20% trọng lượng quả thật. Trong quả giả có 85 – 90% nước, 7 – 13% gluxit, 0,7 – 0,9% protit, rất nhiều vitamin, nhất là vitamin C (9 lần nhiều hơn trong cam ngọt), 0,2% chất khoáng và 0,1% lipit.

Vỏ cây tươi chứa 4 – 7% tanin catechic.

Nhựa cây tươi chứa tanin catechic, cardol và axit anacacdic.

Gôm thân cây (do cây bệnh hoặc cây già tiết ra) có 8% arabin, dextrin, basơrin đường, tanin catechic, cardol và axit anacacdic.

Quả Điều có rất nhiều công dụng. Nhân Điều rất ngon bùi như hạt Dẻ hay Hạnh nhân, ngon hơn Lạc, được dùng trong chế biến Chocola, kẹo Nuga, bánh ngọt, bánh quy, kem. Nhân Điều rang là món nhậu lai rai rất tốt. Một số nước dùng nhân Điều thay sữa đối với một số người bị dị ứng sữa, người béo phị không muốn tăng cân, dùng cho các nhà thể thao và luyện tập thể hình. Nghiền một bát nhân Điều sống, cho thêm nửa bát nước táo, một thìa mật ong, khuấy đều sẽ có dung dịch sữa rất giầu protein. Quả giả là nguyên liệu tốt để chế biến. Ép quả giả lấy dịch lên men sẽ có rượu nhẹ thơm ngon (rượu cajou) hoặc lấy dịch làm nước quả, sirô (Rau hoa quả chữa bệnh).

Các bộ phân của cây Điều còn được dùng thuốc:

Thuốc an thần: 20 – 30g lá Điều phơi khô thái nhỏ sắc với 400ml nước, lấy 100ml uống (Rau hoa quả chữa bệnh).

Chữa kiết lỵ: Nhân hạt Điều cùng với Măng cụt, hạt cau già và rau má, mỗi thứ 30g, sắc đặc uống (như trên).

Chữa tiêu chảy, viêm họng: Vỏ cây phơi khô, thái mỏng sắc lấy nước uống (như trên).

Chữa đau nhức: Dùng rượu Điều (nước quả giả lên men) xoa bóp (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

Chữa chai chân, nứt nẻ chân, vết loét: Bôi dầu vỏ (như trên).

Chữa viêm họng: Súc miệng bằng rượu Điều (như trên).

Chống nôn mửa: Nhấm nháp rượu Điều (như trên).

Điều là cây đặc sản của miền Nam. Điều không những là cây thực phẩm quý, cho vị thuốc tốt mà còn là cây phủ đất trồng đồi trọc, cây chắn gió, chắn cát. Chúng ta nên phát triển cây Điều trong những điều kiện khác nhau để cuộc sống và môi trường được cải thiện tốt hơn.