Vi khuẩn nấm luôn xuất hiện trong môi trường xung quanh chúng ta gây nhiều căn bệnh về nấm da khó chịu nhất là ở lứa tuổi học sinh rất dễ mắc phải. Sau đây là những điều cần biết về nấm da và cách phòng tránh. Mời các bạn cùng theo dõi.
Mùa mưa tạo điều kiện lý tưởng cho nấm da
Vào mùa mưa, khí hậu ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của nấm, đặc biệt là nấm kẽ tay, chân, nấm bẹn, nấm thân (hắc lào) và nấm móng. Bệnh nấm da khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, trên da xuất hiện những tổn thương như mẩn đỏ, bong tróc, vùng da không đều màu ….
Ngập lụt – thủ phạm của nấm kẽ chân, nấm móng
Sau cơn mưa, tình trạng nước ngập lụt, nước tù đọng dơ bẩn tràn trên nhiều tuyến đường diễn ra ở nhiều nơi làm tăng nguy cơ nhiễm nấm kẽ chân cho người đi đường. Đối với người bị bệnh nấm kẽ chân (hay còn gọi là nước ăn chân), vi nấm tấn công các kẽ hẹp giữa các ngón chân khiến lớp da thượng bì bị mủn trắng và có kẽ nứt, lộ nền da đỏ ướt phía bên trong, gây cảm giác ngứa ngáy, đau rát, khó chịu.
Tuổi dậy thì dễ mắc bệnh lang ben
Trong độ tuổi dậy thì, sự thay đổi nội tiết tố là điều kiện thuận lợi cho benh lang ben phát triển. Bệnh do vi nấm Pityrosporum ovale gây nên, tạo ra những đốm da nhiều màu như trắng, nâu, đỏ… và gây ngứa ngáy khó chịu khi ra nắng khiến người bệnh ngại giao tiếp, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống. Ngoài ra những người tập thể thao, vận động nhiều, ra nhiều mồ hôi cũng là đối tượng dễ mắc loại bệnh này.
Nấm da rất dễ lây lan
Bệnh nấm da có các cách lây truyền phổ biến như nhiễm từ bào tử nấm có trong không khí và môi trường xung quanh; súc vật bị bệnh lây cho người; người bệnh lây sang người lành… Nếu trong nhà có người bị nhiễm nấm, bạn có nguy cơ bị nấm da rất cao nếu không chú ý vệ sinh, dùng chung đồ, nằm chung giường…
Nấm da hay tái phát
Mặc dù không gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng các bệnh nấm da thường dai dẳng, dễ tái phát, gây khó khăn trong điều trị. Hơn nữa, những lần mắc bệnh sau thường sẽ nặng, lâu dài và khó dứt hơn lần trước đó. Vì vậy, bệnh cần được điều trị tận gốc và không nên chủ quan trong việc loại trừ loại bệnh này.
Cách điều trị, phòng tránh nấm da
Khi bị nhiễm nấm, người bệnh không nên dùng các thuốc trị nấm da phối hợp corticoid vì có thể gây tác dụng phụ như teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn. Đối với các vết nấm kẽ tay, kẽ chân, nấm thân, nấm móng và lang ben với diện tích nhỏ, người bệnh có thể dùng các loại kem bôi có chứa ketoconazole, miconazole, terbinafine… để điều trị. Trong trường hợp lang ben đã lây lan trên diện tích lớn, ở những vùng da khó bôi thuốc như lưng, gáy cổ…, người bệnh có thể dùng dầu gội có chứa ketoconazole 2% để thoa và tắm trong 5 ngày liên tiếp để diệt tận gốc vi nấm, tránh để bệnh kéo dài, dễ tái phát. Ngoài ra, cần tuân theo những hướng dẫn sau đây để vừa điều trị hiệu quả, vừa phòng tránh nhiễm nấm da:
– Không mặc đồ ẩm hoặc đồ quá chật, chọn mặc các loại vải thông thoáng dễ thoát mồ hôi.
– Vệ sinh da sạch sẽ sau khi vận động, khi ra nhiều mồ hôi trong thời tiết nóng.
– Giặt giũ quần áo, giường chiếu sạch sẽ, thường xuyên để diệt trừ vi nấm gây bệnh
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây bệnh.
Trên đây là những điều cần biết về bệnh nấm da mà chúng tôi đã chia sẻ với các bạn. Hy vọng bài viết này sẽ thật sự hữu ích dành cho tất cả bạn đọc. Xin cảm ơn