Có bao giờ bạn tự hỏi những cơn đau bụng kinh từ đâu mà đến? Tại sao có người lại đau dữ dội, còn có người…vẫn tỉnh bơ? Vậy cuố i cùng là: Tại sao lại đau bụng kinh? Cùng nhau tìm hiểu nhé.
Đa số phụ nữ bị đau bụng 1-2 ngày trong kỳ kinh, và điều này là bình thường. Các thiếu nữ tuổi teen dễ bị kinh nguyệt đau hơn so với phụ nữ trưởng thành, nhất là phụ nữ trưởng thành đã sinh con. Nhưng đau bụng khi có kinh ở tuổi vị thành niên thường được cải thiện dần theo thời gian.
Tuy nhiên, một số phụ nữ bị đau bụng kinh không dễ xử lý và phải nghỉ học hoặc nghỉ làm. Đau đến mức độ này là không bình thường, và cần phải được tìm hiểu.
Tại sao kinh nguyệt lại gây đau
Kinh nguyệt là tình trạng bong lớp niêm mạc của tử cung. Mỗi tháng, tử cung lại tự chuẩn bị cho việc mang thai bằng cách phát triển một lớp niêm mạc dày có nguồn cung cấp máu phong phú chờ phôi làm tổ.
Khi mang thai không xảy ra, cơ thể sẽ tạo ra kinh nguyệt – một sản phẩm phụ của nội mạc tử cung. Trong thời gian này, các mạch máu mở ra, lớp niêm mạc bong ra khỏi thành tử cung, và cơ tử cung co bóp tống máu và mô ra ngoài.
Trong những cơn co nhẹ này, thường người phụ nữ sẽ cảm thấy đau thắt vùng bụng dưới khi các sản phẩm máu bị đẩy khỏi tử cung và ra ngoài cố tử cung trước khi trôi ra khỏi âm đạo.
Các cơn co được kích hoạt bởi những chất dạng hoóc-môn do cơ thể sản sinh ra gọi là prostaglandin, là thủ phạm chính gây đau vùng chậu liên quan đến kinh nguyệt. Lượng prostaglandin càng cao thì đau bụng kinh càng nghiêm trọng.
Đau bụng kinh thường mạnh nhất trong một hai ngày đầu tiên của kỳ kinh, sau đó dịu đi trong bốn đến năm ngày còn lại.
Đau khi có kinh được gọi là đau bụng kinh (hay thống kinh), và có hai loại: tiên phát và thứ phát.
Đau bụng kinh tiên phát là đau bụng khi có kinh bắt đầu sớm sau khi thiếu nữ bắt đầu có kinh nguyệt. Tình trạng này có xu hướng giảm dần khi cô gái trưởng thành hơn. Nguyên nhân gây đau còn chưa rõ, nhưng biến động nội tiết tố được cho là có vai trò.
Những thuốc chính được sử dụng để điều trị đau bụng kinh loại này là các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (Nurofen) hoặc naproxen (Naprogesic). Chúng ngăn chặn tác dụng của prostaglandin.
Đau bụng kinh thứ phát thường là hệ quả của một rối loạn bệnh lý trong hệ sinh sản. Thay vì đau giảm dần theo thời gian, nó trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều này có thể do một số tình trạng bệnh, phổ biến nhất lạc nội mạc.
Lạc nội mạc là gì?
Lạc nội mạc là tình trạng mà trong đó mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung. Nó có thể phát triển ra buồng trứng, ruột, và trong một số trường hợp hiếm hoi thậm chí còn tìm thấy bên ngoài vùng chậu như phổi. Các hoóc-môn tạo ra kinh nguyệt cũng gây chảy máu tại những vị trí mọc mô nội mạc tử cung này, gây ra đau.
Lạc nội mạc thường gây ra đau bụng kinh bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn so với kinh nguyệt bình thường. Đôi khi đau không hết ngay cả khi đã sạch kinh. Phụ nữ bị lạc nội mạc có thể mô tả đau tại thời điểm rụng trứng, hoặc đau khi quan hệ tình dục. Một vấn đề khác liên quan đến lạc nội mạc là vô sinh. Đây là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến 16% – 61% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có triệu chứng. Ước tính có khoảng 100 triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị lạc nội mạc tử cung.
Phụ nữ có thể không biết mình bị lạc nội mạc, hoặc nghĩ rằng đau là bình thường. Nhiều người có xu hướng quen với đau, cũng có thể xảy ra ở tuổi thiếu niên hoặc thanh niên.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân chính xác của lạc nội mạc tử cung, có một số lý thuyết như dòng chảy ngược của mô nội mạc tử cung ra khỏi tử cung qua các ống dẫn trứng, và các mô này có thể bám vào trong khoang chậu tại những vị trí bên ngoài tử cung.
Cách mà các dây thần kinh giải thích cho đau ở vùng chậu cũng đóng một vai trò. Đây là một căn bệnh ít gặp trong đó một số phụ nữ có thể lạc nội mạc rất nhiều với rất ít triệu chứng, trong khi những người khác có thể chỉ bị bệnh rất ít nhưng các triệu chứng khá nghiêm trọng.
Các bé gái và phụ nữ bị ảnh hưởng xấu đến việc học hành và công việc. Có thể bị giảm năng suất tại nơi làm việc hoặc học tập do đau và những khó chịu do lạc nội mạc gây ra.
Điều trị bao gồm thuốc nội tiết tố như thuốc tránh thai. Que cấy progestogen hoặc dụng cụ tử cung, cũng rất hữu ích cho một số trong việc chữa đau bụng kinh. Nhưng những phương pháp điều trị này không hiệu quả với tất cả mọi người.
Làm thế nào để biết tôi có bị lạc nội mạc không?
Chẩn đoán lạc nội mạc chỉ có thể được thực hiện thông qua phẫu thuật nội soi. Nếu được nhìn thấy bằng phẫu thuật, và loại bỏ, phụ nữ thường có sự cải thiện về triệu chứng. Nhưng các triệu chứng có thể trở lại. Mặc dù đây không phải là bệnh chết người, ảnh hưởng mà nó gây ra cho người phụ nữ và xã hội có thể rất nghiêm trọng – và vì đây là tình trạng bệnh mạn tính, dai dẳng trong suốt cuộc đời kinh nguyệt của người phụ nữ.
Một nghiên cứu cho thấy sự chậm trễ trung bình gần bốn năm trước khi người phụ nữ bị lạc nội mạc đi tìm sự giúp đỡ y tế cho các triệu chứng của mình, và sự chậm trễ này mang lại nhiều lo lắng và đau khổ do sự không chắc chắn về tình trạng bệnh và cách để giải quyết.
Nhiều phụ nữ được bảo rằng đau bụng kinh là bình thường, nhưng khi mổ nọi soi mới hay một số bị đau vùng chậu thực ra là bị lạc nội mạc. Tuy nhiên, quyết định phẫu thuật là một trong những quyết định khó khăn, vì điều này mang đến những nguy cơ nhỏ như tổn thương bàng quang, ruột và mạch máu cũng như nguy cơ gây mê. Điều trị là tùy thuộc vào từng người, căn cứ vào việc liệu nguy cơ của phẫu thuật có lớn hơn những triệu chứng gặp phải hay không.
Có một số tình trạng khác góp phần gây đau bụng kinh, bao gồm đau từ ruột, bàng quang và thận, cơ và xương (bao gồm cả đau vùng háng và đau lưng). Ngoài ra còn có những tình trạng khác gây đau thần kinh vùng chậu và lưng.
Tình trạng tâm lý cũng có thể chịu trách nhiệm hoặc góp phần vào đau vùng chậu và đau bụng kinh.
Nếu bạn bị đau bụng kinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc học tập, lao động hoặc chất lượng cuộc sống thì bạn nên đi tìm sự giúp đỡ, trước tiên là tìm sự tư vấn của bác sĩ.