Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc chuẩn bị và đáp ứng với các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp trong vòng 9 năm qua. Đó là kết luận của đoàn đánh giá chung giữa Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với việc thực hiện Chiến lược Khu vực châu Á Thái Bình Dương về các bệnh mới nổi (APSED) và Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), được tiến hành từ ngày 10 -15/5/2015.

who_viet_nam_dat_nhieu_tien_bo_ve_y_te_cong_cong_khan_cap_2

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đáp ứng với những dịch bệnh mới nổi như cúm gia cầm A/H5N1…

Thông qua Điều lệ Y tế Quốc tế, 196 quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đã nhất trí xây dựng năng lực quốc gia nhằm phát hiện, đánh giá và báo cáo các sự kiện y tế công cộng. Dưới sự hướng dẫn của khung Chiến lược Khu vực châu Á Thái Bình Dương về các bệnh mới nổi, WHO đã làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong gần 1 thập kỷ trong việc xây dựng năng lực Điều lệ Y tế Quốc tế để có thể đáp ứng và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp như bệnh cúm gia cầm và bệnh do virut Ebola. Với sự cam kết mạnh mẽ và lãnh đạo từ Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức hỗ trợ phát triển khác, Bộ Y tế đã củng cố năng lực về dự phòng, phát hiện và đáp ứng nhanh đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các sự kiện y tế công cộng khác.

Kết quả của những nỗ lực này là năm 2014, Việt Nam đã đạt được năng lực tối thiểu để đáp ứng với những tình trạng khẩn cấp theo quy định của Điều lệ Y tế Quốc tế. Ông Jeffery Kobza, Quyền Đại diện của WHO tại Việt Nam đã nói: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc chuẩn bị và đáp ứng với các bệnh mới nổi. Công tác ứng phó với những vụ dịch trong thời gian vừa qua đã để lại những kinh nghiệm quý báu và sự cam kết chính trị của Việt Nam là ví dụ của sự chuẩn mực”.

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã có những kinh nghiệm đáp ứng với những dịch bệnh mới nổi như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A/H5N1 và cúm đại dịch A/H1N1 năm 2009. Những mối đe dọa kéo dài khác như cúm gia cầm A/H7N9 tiếp tục cho thấy Việt Nam vẫn là điểm nóng về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Cuộc đánh giá trong 5 ngày, bao gồm các phiên họp với đối tác, tham quan thực địa và việc phân tích công tác chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam đối với dịch bệnh do virut Ebola cũng như đáp ứng với dịch sởi năm 2014 đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong việc cam kết chính trị và các lĩnh vực giám sát, năng lực chẩn đoán phòng xét nghiệm và lập kế hoạch cho tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Những tiến bộ quan trọng cũng được ghi nhận trong các lĩnh vực khác như đáp ứng nhanh, đánh giá nguy cơ và việc thành lập Trung tâm Điều hành khẩn cấp để điều phối các hoạt động quốc gia đáp ứng với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.

Kết quả đánh giá cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm chính để giúp Việt Nam tiếp tục củng cố và duy trì năng lực quốc gia về y tế công cộng. Việc tăng cường cam kết chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với cộng đồng quốc tế cũng được nhấn mạnh. Sự tham gia của 2 chuyên gia Việt Nam trong hỗ trợ đáp ứng toàn cầu với dịch Ebola ở Tây Phi là minh chứng cho sự cam kết này. “Sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam đáng được nghi nhận. Việt Nam hiện đã được trang bị để thực hiện vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy an ninh y tế của khu vực cũng như toàn cầu. WHO cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao hơn nữa năng lực của mình và để thể hiện những năng lực này vượt ra ngoài biên giới”, TS. Li Ailan, Giám đốc Lĩnh vực An ninh Y tế và Tình trạng khẩn cấp của Văn phòng WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, nhấn mạnh. Hướng về phía trước, việc đánh giá này đã giúp WHO hiểu rõ hơn về những điểm mạnh và những hạn chế của khung chiến lược hiện tại và định hướng chiến lược tương lai cho việc xây dựng năng lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tình trạng y tế công cộng khẩn cấp trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm Thụy Sỹ và dự họp Ðại hội đồng y tế thế giới

Tối 16/5, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã tới Geneva, Thụy Sỹ bắt đầu chuyến thăm Thụy Sỹ và dự cuộc họp Đại hội đồng y tế thế giới.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng sẽ có buổi làm việc với Quỹ toàn cầu và cuộc họp bàn tròn của các nhà lãnh đạo y tế Harvard. Vào ngày 18/5 (giờ Thụy Sỹ), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ tham dự phiên họp toàn thể Đại hội đồng y tế thế giới tại tòa nhà Liên hợp quốc (Palais de Nations). Tại đây, Bộ trưởng sẽ có bài phát biểu quan trọng trước toàn thể Đại hội đồng.

 

Nguồn: Sức khỏe đời sống