Từ lời đồn công dụng bổ âm, kích dương, thanh lọc cơ thể, bồi bổ sức khỏe, tái tạo tế bào mới… Mời bạn tham khảo bài viết Tận diệt “thần dược” cỏ máu bạn nên xem dưới đây nhé.
“Thần dược” bí truyền của người Rục?
Ông Cao Xuân Tình, một thầy lang người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa khẳng định như đinh đóng cột: Công dụng của cây cỏ máu ẩn mình trên dãy Trường Sơn là do thủy tổ của người Rục phát hiện. Tộc người Rục tồn tại được cho đến ngày nay trong điều kiện khắc nghiệt “ăn lông, ở lỗ” trong các hang đá, giữa đại ngàn Trường Sơn là nhờ cây cỏ máu.
Theo ông Tình, gọi là cây cỏ máu nhưng thực chất nó là một loại dây leo, thân to bằng bắp chân, bắp tay người lớn, cứng như gỗ, sống theo dạng tầm gửi ở những cánh rừng nguyên sinh trên những lèn đá của dãy Trường Sơn. Tên bản địa của loài cây này theo người Rục là cây A Xia, nhưng do nhựa của nó có màu đỏ như huyết nên người dân các vùng khác gọi là cây cỏ máu.
Với người Rục, cây cỏ máu được xem như một loại thần dược mà mẹ thiên nhiên hào phóng ban tặng. Thủy tổ của người Rục xưa, khi còn sống trong hang đá đã biết công dụng của cây cỏ máu. Họ dùng sắc nước uống hàng ngày như người miền xuôi uống nước chè xanh vậy. Và nay, khi đã về định cư ở thung lũng Rục Làn, người Rục đã có nhiều đổi thay trong cuộc sống, sức khỏe đã có bác sỹ Tây y chăm sóc, nhưng cây cỏ máu nấu nước uống hàng ngày vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình người Rục.
Người Rục tin, cây cỏ máu, với màu nước khi sắc lên đỏ như máu ấy có thể bổ âm, kích dương, thanh lọc cơ thể, bồi bổ sức khỏe, tái tạo tế bào mới… Đặc biệt, đối với phụ nữ sau khi sinh, mất nhiều máu, uống cỏ máu vào sẽ bù đắp lượng máu đã mất.“Nước cỏ máu lúc mới uống vào có vị chát nhưng sau đó ngọt dần trong miệng. Không chỉ bồi bổ sức khỏe, cỏ máu dùng chữa đau bụng hay tắm cho trẻ con rất tốt. Đàn bà ở đây sau khi đẻ nó chỉ cần uống nước cỏ máu, khoảng ba ngày là có thể ngồi dậy đi mần (làm) việc rồi, không cần kiêng cữ cả tháng trời như ở dưới xuôi mô…” – ông Tình nói.
hông biết khẳng định của ông Tình đúng đến đâu, nhưng thực tế thì các tộc người thiểu số sống dọc dãy Trường Sơn của Quảng Bình như: Vân Kiều, Ma Coong, A Rem, Khùa, Mày, Mã Liềng… đều biết công dụng và dùng nước cây cỏ máu hàng ngày như một loại thần dược để bồi bổ sức khỏe và kết hợp với nhiều loại cây rừng khác để chữa bệnh.
Người ta đồn rằng, con gái ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa có vóc dáng thanh tú, làn da trắng như tuyết, tóc đen dài chấm gót là nhờ uống và tắm cây cỏ máu. Họ cho rằng, khi người mẹ sinh đẻ, uống cây cỏ máu, đứa trẻ ngay khi sinh ra đã được uống tinh chất của cây cỏ máu qua dòng sữa mẹ. Sau đó chúng được tắm và uống nước cây cỏ máu hàng ngày nên ở đây được mệnh danh “miền gái đẹp” là vậy.
Nguồn: 24h.com.vn