Các kết quả nghiên cứu cho thấy bạch cúc có tác dụng kháng khuẩn như: ức chế tụ cầu vàng, liên cầu trùng, lỵ trực trùng, trực khuẩn thương hàn, ức chế các loại nấm da, trị huyết áp cao…
Bạch cúc còn có tên khác: tiết hoa (Bản kinh), nữ hoa, nữ tiết, nữ hành, nhật tinh, cảnh sinh, truyền diên niên, âm thành, chu doanh (Biệt lục), mẫu cúc, kim nhị (Bản thảo cương mục)…, tên khoa học Chrysanthemum morifolium Ramat (Chrysanthemum sinese Sabine), họ Cúc (Asteraceae).
Bạch cúc thân đứng, nhẵn, có rãnh. Mặt dưới lá có lông và trắng hơn mặt trên có 3 – 5 thùy hình trái xoan, đầu hơi nhọn, có răng cưa ở mép. Cuống lá có tai ở gốc. Đầu to, các lá bắc ở ngoài hình chỉ, phủ lông trắng, các lá trong thuôn hình trái xoan. Trong đầu có 1 – 2 hàng hoa hình lưỡi nhỏ, màu trắng, các hoa ở giữa hình ống, màu vàng nhạt. Không có mào lông. Tràng hoa hình ống có tuyến, 5 thùy, nhị 6, bao phấn ở tai ngắn, nghiêng. Quả bế gần hình trái xoan, bông thường ướp trà và hiếm.
Thường được thu hái vào mùa thu, đầu mùa đông, khoảng tháng 9 – 11 hàng năm khi hoa nở. Cắt cả cây, phơi khô trong bóng râm mát (âm can), rồi ngắt lấy hoa; cũng có khi chỉ hái lấy hoa, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp. Bộ phận dùng làm thuốc là hoa khô (Flos Chrysanthemi). Loại hoa đóa nguyên vẹn, màu tươi sáng, thơm, không lẫn cành, cuống, lá, là loại tốt. Dùng hoa tươi sẽ tốt hơn.
Người ta thấy trong bạch cúc chứa các chất borneol, camphor, chrysanthenone, lutein-7-ramnoglucoside, cosmoiin, apigenin-7-O-Glucoside.
Các y thư cổ cho rằng: bạch cúc vị đắng, tính bình (Bản kinh); vị ngọt, không độc (Biệt lục); vị đắng mà ngọt, tính hàn (Thang dịch bản thảo)… Thuốc quy vào kinh Phế, Tỳ, Can, Thận.
Thuốc có công hiệu dưỡng huyết mục, minh mục, sơ phong, thanh tán phong nhiệt, bình can, thanh nhiệt, giải độc. Dùng trị chóng mặt, đau đầu, mắt đỏ, hoa mắt, các chứng du phong do phong nhiệt ở can gây nên, nặng một bên đầu… Liều dùng trung bình cho mỗi thang từ 6 – 20g.
Tuy nhiên cần lưu ý không dùng cho trường hợp khí hư, vị hàn, ăn ít, tiêu chảy không dùng (Bản thảo hội ngôn). Dương hư hoặc đầu đau sợ lạnh kiêng không dùng (Đông dược học thiết yếu). Tỳ, Vị hư hàn không dùng (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu từ hoa bạch cúc:
Trị chóng mặt, uống lâu làm đẹp nhan sắc, không già: bạch cúc chọn vào ngày 9 – 9 (âm lịch), lấy hoa 2 cân, phục linh một cân, tán bột. Mỗi lần uống 8g với rượu nóng, ngày 3 lần (Thái Thanh Kinh Bảo phương).
Trị ban đậu chạy vào mắt sinh ra màng mộng: bạch cúc hoa, cốc tinh thảo, vỏ đậu xanh, lượng bằng nhau, tán bột. Mỗi lần dùng 4g, lấy 1 quả thị, 1 chén cơm nếp, nấu cho đến khi cơm cạn thì ăn hết, ngày ăn 3 trái. Bệnh nhẹ ăn chừng 5 – 7 ngày, bệnh nặng dùng chừng nửa tháng (Nhân Trai trực chỉ phương luận).
Trị mắt có màng mộng sau khi bị bệnh: bạch cúc hoa, thuyền thoái, 2 vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần dùng 2 – 12g trộn với một ít mật, sắc uống (Cấp cứu phương).
Trị âm hộ sưng đau: cúc hoa ngọn non, giã nát, sắc lấy nước xông, còn nước dùng để rửa (Thế y đắc hiệu phương).
Trị hoa mắt, chóng mặt: cam cúc hoa 1 cân (tức lấy bạch cúc hoặc cúc hoa vàng), hồng tiêu (bỏ mắt) 240g, tán bột, trộn với nước địa hoàng, làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với nước trước khi đi ngủ (Song mỹ hoàn – Thụy Trúc Đường kinh nghiệm phương).
Trị mắt đau do phong nhiệt: cúc hoa, hoàng liên, hoàng cầm, cam thảo, sinh địa hoàng, kinh giới tuệ, quyết minh tử, liên kiều, cát cánh, sài hồ, xuyên khung, khương hoạt, đồng tiện (Trung Quốc Dược học đại từ điển).
Trị đinh nhọt: cam cúc (tức có thể lấy bạch cúc hoặc cúc hoa vàng) để nguyên cả rễ, dùng sống, tử hoa địa đinh, ích mẫu thảo, kim ngân hoa, bán chi liên, bối mẫu, liên kiều, sinh địa hoàng, qua lâu căn, bạch chỉ, bạch cập, thương nhĩ tử, hạ khô thảo. Nếu bệnh nặng quá thì dùng “thiềm tô hoàn” để phát hãn. Nếu táo bón sau khi ra mồ hôi: dùng “ngọc xu đơn” để uống cho hạ, nếu không có ngọc xu đơn, lấy đại kích thêm tảo hưu, táo nhục làm viên, uống 12g sẽ xổ ngay. Kiêng cam thảo (Trung Quốc Dược học đại từ điển).
Trị đinh nhọt, mụn nhọt có mủ: bạch cúc hoa 160g, cam thảo 20g, sắc uống (Lâm sàng thường dụng Trung dược thủ sách).
BS. TUẤN LONG