Theo Đông Y, thương lục có tính lạnh, vị đắng và có độc, có thể dùng để cải thiện triệu chứng xơ gan cổ trướng, thông đại tiểu tiện hoặc tiêu thũng. Ngoài ra, dược liệu tự nhiên này còn được dùng để chữa ngực bụng đầy trướng và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên hiện nay thương lục bị nhầm lẫn với nhân sâm, đồng thời chính sự thiếu hiểu biết này đã gây ra những sai lầm trong quá trình sử dụng. Hãy cùng Cây thuốc và dược liệu tìm hiểu cách sử dụng cây thương lục qua bài viết bên dưới
- Tên khác: Kim thất nương, thương lục nhỏ, sơn la bạc, bạch mẫu kê, dã la bạc hoặc trưởng bất lão
- Tên khoa học: Phytolacca acinosa Roxb (P. esculenta Van Houtte)
- Họ: Thương lục Phytolaccaceae
Mô tả thương lục
Đặc điểm thực vật
Thương lục là loại cây thảo sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình khoảng 1.5 m. Thân cây hình trụ nhẵn, không có lông, ít phân nhánh và có màu xanh lục hoặc pha đỏ tím. Lá to, mọc so le với phiến lá hình trứng tròn, có cuống. Hai mặt lá nhẵn, chiều dài 10 – 30 cm và rộng 13 – 14 cm. Hoa thương lục có màu trắng. Cụm hoa hình chùm, gồm nhiều hoa mẫu 5, có chiều dài từ 15 – 20 cm. Rễ củ mập nhìn có nét giống củ nhân sâm. Quả mọng, có màu đỏ tím.
Phân bố
Thương lục có nguồn gốc ở Trung Quốc và di thực vào Việt Nam cách đây khoảng 10 năm. Hiện nay, dược liệu này được trồng ở một số nơi ở nước ta nhưng số lượng trồng không nhiều.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Rễ
- Thu hái: Rễ thu hoạch sau 6 – 7 tháng kể từ thời gian bắt đầu trồng
- Chế biến: Sau khi đào rễ về đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch và để nguyên phơi trong râm mát cho đến khi khô. Để rễ thương lục có mùi giống nhâm sâm, đem ngâm trong mật ong và rượu 40% theo tỷ lệ 1 kg rễ : 250 ml rượu : 250 ml mật ong. Sau khi rễ ngấm đều đem sấy hoặc phơi khô.
- Bảo quản: Nơi khô ráo, tránh ẩm ướt
Thành phần hóa học
Theo một số nghiên cứu, rễ cây thương lục chứa lượng lớn thành phần hóa học Saponin như Esculentoside M và Esculentoside A. Ngoài ra, cây còn chứa kali nitrat, Axit Oxymiristinic và chất độc có tên gọi là Phytolaccatoxin C24HJ0O9.
Vị thuốc
Tính vị
Tính lạnh (tính hàn), vị đắng, có độc
Qui kinh
Đi vào kinh Tỳ và Bàng Quang
Tác dụng
Theo một số tài liệu cổ, đặc biệt trong cuốn “Thần Nông Bản Thảo” biên soạn vào năm 20 sau Công Nguyên cho biết, thương lục có các tác dụng lợi tiểu, đại tả và thùy ẩm ở phủ tạng. Do đó, dược liệu này thường dùng để chữa trị thủy thũng và tà khí ở trong bụng.
Bên cạnh đó, vị thuốc này còn dùng chữa cổ đau, phù nề, khó thở hoặc ngực bụng đầy trướng. Ngoài ra, có thể dùng đắp ngoài, hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến mụn nhọt sưng đau.
Cách dùng và liều lượng
Thương lục có thể dùng dưới dạng thuốc đắp ngoài hoặc sắc uống. Liều sắc uống sử dụng 3 – 4 gram, có thể dùng riêng lẻ hoặc phối trộn với các loại thuốc khác. Tùy thuộc vào từng bệnh lý và tình trạng sức khỏe ở mỗi người mà thầy thuốc có thể kê liều lượng dùng khác nhau. Còn đối với đắp ngoài, không kể liều lượng.
Bài thuốc chữa bệnh từ thương lục theo kinh nghiệm dân gian
Điều trị chứng đau cổ họng
Sử dụng rễ cây thương lục đem hơ nóng rồi bọc vải và chườm vào cổ. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày, sau khoảng 1 tuần triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể. Lưu ý, nên để rễ cây nguội bớt, không nên chườm quá nóng vì vùng da ở cổ rất nhạy cảm có thể dễ bị bỏng.
Hỗ trợ trị bệnh viêm thận cấp và mạn
Chuẩn bị 10 gram thương lục và 60 gram thịt lợn. Sau khi nguyên liệu được rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước và nấu chín. Chia thức ăn làm 3 và ăn trong ngày.
Chữa bệnh cổ trướng
Sử dụng 6 gram thương lục sắc chung với 30 gram đậu đỏ, 30 gram bí đao, 20 gram phục linh và 12 gram trạch tả. Kiên trì uống 5 – 7 ngày, giúp giảm triệu chứng bệnh.
Điều trị mụn nhọt, mụn đầu đinh hoặc mủ da
Dùng 15 gram thương lục nấu nước chung với 60 gram bồ công anh. Dùng nước này rửa vùng da xuất hiện mụn nhọt, mủ da hoặc mụn đầu đinh sẽ giúp làm se cồi mụn.
Chữa tuyến vú tăng sinh
Sử dụng thương lục tươi đem chế thành viên uống. Khi mới bắt đầu uống, mỗi ngày uống 6 viên có trọng lượng là 0.5 gram. Sau khi uống quan, tăng dần số lượng thuốc lên 20 viên và sống lần uống lên 3 lần/ngày.
Điều trị chứng trong bụng có hòn cứng đau
Giã nát rễ thương lục tươi rồi vắt nước tẩm vào bông. Sau đó, đắp bông lên bụng. Đắp liên tục, cứ thấy lạnh lại thay cho đến khi triệu chứng bệnh khỏi hẳn.
Chữa té ngã sưng đau
Sử dụng rễ thương lục và khổ sâm lượng, mỗi vị thuốc lượng bằng nhau đem rửa sạch và giã nát. Sau đó đắp lên vùng bị sưng. Thực hiện thường xuyên giúp giảm đau và sưng.
Lưu ý khi sử dụng thương lục
Khi sử dụng thương lục điều trị bệnh, người bệnh nên lưu ý những điều này:
- Không sử dụng thương lục ở phụ nữ có thai vì các chất độc có trong dược liệu có thể gây cấn dẫn đến sẩy thai
- Người già hoặc người có tỳ vị hư nhược không nên dùng
- Dùng thuốc trong khoảng thời gian ngắn. Tuyệt đối không dùng quá liều hoặc quá thời gian quy định. Bởi các hoạt chất chứa trong thảo dược có thể gây tổn thương đến thận, diệt tinh trùng gây vô sinh hoặc yếu xương cốt
- Chất độc trong thương lục nếu sử dụng quá liều có thể gây ngộ độc sau đó khoảng 20 phút đến 3 giờ. Do đó, khi thấy triệu chứng đau bụng, nôn mửa, thân nhiệt tặng, khó thở, tụt huyết áp hoặc tinh thần hoảng hốt,… các bạn nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
- Trong trường hợp ngộ độc nhẹ, có thể dùng đậu xanh và cam thảo sống, giã nát và đem nấu nước uống. Tuy nhiên, để ngăn ngừa biến chứng xấu có thể xảy ra, các bạn vẫn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Thương lục được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc Đông y. Mặc dù có tác dụng chữa nhiều bệnh lý khác nhau nhưng vì thảo dược này có chứa lượng độc tính cao. Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, bệnh nhân nên sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian thầy thuốc quy định.