Thiên lý là loại cây nhỏ, thân dây mọc leo, chia làm nhiều nhánh. Lá đơn nguyên, mọc đối, gốc hình tim, thuôn, có màu xanh lục bóng. Ra hoa thành xim (chùm) dạng tán, ở nách lá màu vàng, xanh lục nhạt, cánh hoa hợp thành ống dài, trên chia thùy hẹp dài, quả hạt dài. Hoa thơm về đêm nên có tên dạ lý hương. Mùa hoa nở chủ yếu vào mùa hè nên trồng làm cảnh che bóng mát trong sân nhà và lấy hoa làm thực phẩm. Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền sáu bài thuốc hay từ hoa thiên lý.
Theo nghiên cứu y học hiện đại, thành phần dinh dưỡng có trong cây thiên lý bao gồm: chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, và gồm chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao, vì vậy thiên lý vừa là thức ăn và thuốc bổ dưỡng giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt vừa tăng sức đề kháng cho người sử dụng. Chất kẽm còn có tác dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam do thường xuyên tiếp xúc với chì.
Bài thuốc chữa bệnh từ hoa thiên lý
1. Chữa đinh nhọt
Lấy lá cây thiên lý 30 – 50g, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.
2. Chữa tiểu buốt
Lấy rễ cây thiên lý từ 10 – 20g, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Uống trong 5 ngày.
3. Chữa mất ngủ
Hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Ba thứ sắc chung lấy nước uống trong ngày. Dùng liên tục trong một tuần.
4. Phòng rôm sảy ngày hè
Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn. Với trẻ có thể xay lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột khi cho trẻ ăn dặm
5. Trị giun kim
Lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7 – 10 ngày sẽ hiệu quả. Hoặc có thể dùng bài thuốc sau: Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Ba thứ rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày.
6. Giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt
Hàng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò ăn sẽ có tác dụng.
Lưu ý, do trong thiên lý chứa kẽm nên khi sử dụng không xào nấu cùng với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống… vì chất sắt có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.