Cận Tết Nguyên đán, nhiều con phố ở Thủ đô Hà Nội lại tràn ngập đào rừng từ khắp các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn… đổ về.

1453276836-dao-rung-1

“Xẻ” núi săn đào rừng

Những ngày cuối năm, thời tiết trên đỉnh đèo Cao Bắc (nối liền giữa Cao Bằng và Bắc Kạn) lạnh tê tái, phủ kín sương mù. Nhưng đã hơn một tuần nay, ngày nào cũng như vậy, Nông Văn Hải (19 tuổi) phải luôn dậy từ rất sớm, rồi vác dao, vác xẻng cùng với người em trai lên rừng tìm kiếm những cành đào mới bắt đầu hé nụ.

Hải tâm sự, 3 năm nay, nhờ những cây đào rừng mà em và gia đình đã có được một khoản tiền kha khá để lo cho cái Tết được chu đáo hơn. Chàng trai người dân tộc Tày này cho biết: “Ngày xưa đào rừng nở hoa rồi ra trái, người dân lên hái ăn hoặc nó rụng đầy cả chân núi. Còn mấy năm nay, do người miền xuôi thích dùng nó để trang trí ngày Tết nên bọn mình vào tìm để bán. Cây càng to, thế đẹp thì giá càng cao. Mấy năm trước, nhiều người lên đây thuê mình vào rừng để chặt rồi vận chuyển ra ngoài quốc lộ để đưa về xuôi. Bây giờ mình không làm thuê nữa mà tự đưa xuống đây để bán cho ai có nhu cầu”.

Theo Hải, mỗi gốc đào rừng có giá từ 200.000 – 1 triệu đồng, với những gốc đào cổ thụ thì giá còn cao hơn. Hải bảo: “Ở đây bây giờ nhiều người biết dễ kiếm tiền nên đua nhau vào rừng để tìm đào. Trước đây chỉ đi hai bên đường đã thấy đào nở đỏ cả một góc rừng, nhưng nay thì hiếm rồi. Muốn có đào đẹp thì phải đi xa”.

Khác với Cao Bằng, Bắc Kạn, ở những nơi được xem là “thủ phủ” và có tiếng hơn về đào rừng như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) thì những ngày này đã trở thành “ngày hội” của những người đi săn tìm đào rừng. Ngày xưa thì chặt đào ở ven các vách núi, giờ đây hiếm hơn, họ len lỏi vào những nơi xa hơi, nguy hiểm hơn để cố gắng kiếm được cho những cành đào, gốc đào “độc”.

Còn tại Hà Nội, khoảng gần một tuần nay, đào rừng đã rải rác được các tiểu thương đem về tập kết tại nhà hoặc các khu đất trống để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Các gốc đào tại đây tùy thuộc vào “thế” và số tuổi mà có những mức giá khá phong phú. Cụ thể, gốc đào có tuổi đời khoảng 10-15 năm có giá giao động 4 – 5 triệu đồng; gốc đào 20 – 30 năm có giá khoảng 8-10 triệu; gốc đào trên 30 năm có giá trên 15 triệu đồng. Đa số đào đều chưa ra hoa, hoặc lác đác vài nụ hoa nhỏ.

Chị Hồ Thị Hương, một tiểu thương tập kết đào rừng ở đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) chia sẻ, để đưa được các gốc đào này về Thủ đô, trước đó các tiểu thương đã phải lặn lội hàng tháng trời lên các vùng Tây Bắc tìm kiếm, thu gom và vận chuyển về xuôi để kịp bán cho người dân dịp Tết Nguyên đán. “Do trên Sơn La, Hòa Bình thời tiết khá lạnh nên hoa đào nở muộn. Chúng tôi tìm cách vận chuyển cả gốc về đây, hi vọng thời tiết nắng ấm hoa sẽ nở đều. Có như vậy thì mới có giá và dễ bán hơn”, chị Hương chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Ba, một tiểu thương với kinh nghiệm 4 năm đưa đào rừng từ Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn về Hà Nội tiết lộ: “Giá gốc đào mỗi năm phụ thuộc vào thị trường cung cầu. Nhưng nói chung, mỗi mùa, chúng tôi cũng kiếm được dăm bảy chục triệu đồng. Tuy nhiên, cái giá để đưa được các gốc đào về đây là chúng tôi phải bỏ ra hàng tháng trời lên vùng cao như Mộc Châu (Sơn La), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mai Châu (Hòa Bình)… tìm kiếm các cây đào mọc sâu trên núi, rồi thuê người và phương tiện vận chuyển về xuôi. Có những gốc đào chúng tôi phải mất nhiều ngày mới đưa từ trên lưng chừng núi cao xuống đường quốc lộ từ đó vận chuyển về xuôi”.

Theo anh Ba, vài năm trở lại đây, do nhu cầu chơi đào rừng của mọi người tăng lên nên số lượng các gốc đào to và đẹp đã giảm đáng kể. Anh Ba cho biết thêm: “Có những gốc đào trước kia chỉ cần lên khoảng 10 – 15m trên núi là có thể tìm thấy thì nay để có được những gốc đào này cần đi lên cao hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Mặt khác, năm nay chi phí thuê nhân công, phương tiện đều cao hơn năm ngoái, nên việc giá đào rừng năm nay chắc chắn sẽ tăng”.

Nguồn: 24h.com.vn