Mặc dù đã có nhiều chủ trương, văn bản, nghị định nhằm phát triển dược liệu tại Việt Nam, nhưng công tác này thực sự vẫn còn nhiều thử thách cho những người trong cuộc.

Theo PGS.TS. Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền Bộ Y tế thì chủ trương phát triển dược liệu không chỉ một mình ngành y tế làm được mà cần sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc miền núi…. Ông cũng nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, đến tính kinh tế trong công tác phát triểndược liệu ở nước ta, phát triển dược liệu cần kết hợp với xóa đói giảm nghèo. Trồng rừng chúng ta được ưu đãi vốn 15% nhưng trồng dược liệu lại chưa có ưu đãi gì, vì vậy đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi cụ thể cho phát triển dược liệu, cho việc trồng cây thuốc.

Liên quan đến bảo hiểm y tế, chủ trương ưu tiên phát triển dược liệu, ưu tiên người Việt Nam dùng thuốc Việt nhưng rất nhiều dược liệu lại không được bảo hiểm y tế chi trả.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển dược liệu tại Việt Nam, DS. Nguyễn Tiến Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, người có nhiều năm gắn bó với công tác dược liệu cho biết, còn rất nhiều thử thách đặt ra cho những người làm công tác này. Mặc dù đã có rất nhiều văn bản từ Trung ương Đảng, Chính phủ về việc phát triển dược liệu nhưng dường như chúng ta vẫn chưa làm được gì đáng kể. Cái khó thứ nhất, dược liệu khác cây trồng, nghiên cứu và sản xuất cây trồng có khi chỉ mất 1 năm, nhưng với cây thuốc thì 1 năm có khi không đủ, có những cây thuốc phải nghiên cứu đến 3, 5 năm mới cho kết quả. Và như vậy để có được vốn nghiên cứu và phát triển cây thuốc nếu đi vay ngân hàng sẽ bị lỗ nặng nên không ai dám làm. Thứ nữa trong ngành nông nghiệp chỉ một cây ngô có rất nhiều viện nghiên cứu trồng trọt, quan tâm trong khi nguồn dược liệu thì lại có đến cả nghìn cây thuốc nhưng chỉ có mỗi một viện dược liệu làm nên dẫn đến bất cập.

phat trien duoc lieu con nhieu thu thach

Về vấn đề dược liệu nhập lậu nhiều ý kiến cho rằng nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ lợi bất cập hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, nguồn dược liệu được nhập khẩu đang đánh chết nguồn dược liệu trong nước bằng giá thành sản phẩm. Dược liệu sản xuất trong nước phải qua các quy trình nghiêm ngặt nên giá thành bị đẩy lên trong khi nguồn dược liệu rác với giá thành rẻ cứ ồ ạt nhập vào nước ta. Cũng không ai biết nguồn dược liệu nhập khẩu này có đủ độ an toàn cho người sử dụng. Đại diện Tổng công ty Dược Việt Nam cho biết thêm, rất nhiều công ty nằm trong tổng công ty đã đầu tư vốn để sản xuất được nguồn dược liệu đảm bảo sạch nhưng khi ra thị trường không địch được về giá so với nguồn dược liệu rác kia.

Để phát triển dược liệu một mình ngành y tế không làm được. Kinh nghiệm bao năm nay cho thấy dược liệu nếu không được đưa vào sản xuất, không được tung ra thị trường, không có đầu ra cho sản phẩm thì sẽ tự chết. Không cần hô hào nhiều bà con nông dân sẵn sàng trồng cây thuốc nếu bà con biết chắc có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Ngược lại, nếu cứ hô hào chung chung, không có đầu ra cho sản phẩm thì bà con sẽ quay lưng lại. Vì vậy, rõ ràng cần đầu tư và cần sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành liên quan như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngân hàng, tài chính, công thương, Ủy ban Dân tộc miền núi… vì có nhiều cây thuốc, bài thuốc của người dân tộc nếu chúng ta biết làm sẽ nâng lên thành sản phẩm hàng hóa đem lại lợi nhuận cho bà con dân tộc vùng cao…

Liên quan đến vấn đề củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm và phát triển về dược liệu, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế có đưa ra đề xuất thành lập Phòng Quản lý y dược cổ truyền thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cũng như xây dựng bộ phận thanh tra chuyên ngành về y dược cổ truyền. TS. Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đề xuất này chưa khả thi vì hiện nguồn nhân lực cho y tế rất eo hẹp. Theo Thứ trưởng, chỉ cần có một bộ phận cán bộ chuyên trách về công tác y dược học cổ truyền gắn với nghiệp vụ y tại các sở y tế các tỉnh thành, có thanh tra có hiểu biết sâu về y dược học cổ truyền.

Hiện nay, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuy nhiên cần phải chỉnh sửa và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Để thực hiện được kế hoạch này cần sự nỗ lực đóng góp về nhân lực, vật lực của rất nhiều bộ, ban, ngành liên quan. Hy vọng trong tương lai không xa dược liệu Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển, đem lại lợi nhuận và nguồn thu cho người dân, trở thành sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên thế giới, đúng như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra từ nhiều năm nay.

Nguồn: Mai Hương (Sức khỏe và Đời sống)