Người cao tuổi thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm giàu tinh bột cũng đồng nghĩa gia tăng gấp 4 lần nguy cơ bị bệnh suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), triệu chứng khởi phát của bệnh An-dây-mơ (Alzheimer).

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà dịch tễ học thuộc Bệnh viện May-ô (Mỹ) tiến hành thu thập và phân tích thông tin về chế độ ăn uống trong thời gian một năm của 1.230 người độ tuổi từ 70 – 89. Trong đó, có 940 người không có biểu hiệnbệnh suy giảm nhận thức nhẹ, cứ 15 tháng họ được yêu cầu trở lại. Sau 4 năm, 200 người trong số đó bắt đầu có nguy cơ phát triển MCI do gặp vấn đề về khả năng ghi nhớ, ngôn ngữ, tư duy và phán đoán.

anh-1-c59a8

Các chuyên gia nhận thấy, so với 20% số người có chế độ ăn chứa ít tinh bột, 20% những người ăn nhiều tinh bột có nguy cơ phát triển bệnh suy giảm nhận thức nhẹ cao gấp 3,68 lần. Nghiên cứu cũng phát hiện, những người có chế độ ăn bao gồm các chất béo hữu ích có trong các loại hạt và dầu thực vật giảm 42% nguy cơ mắc bệnh suy giảm nhận thức nhẹ, còn những người hấp thu nhiều chất đạm trong thịt, cá thì giảm 21% nguy cơ tương tự. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là do tinh bột có thể ảnh hưởng mạch máu trong não bộ và là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các mảng bám a-mô-lô-ít, một prô-tê-in tích tụ trong não bệnh nhân An-dây-mơ. Ngoài ra, chúng còn gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể do tác động đến quá trình chuyển hóa glu-cô và in-su-lin.

Bệnh suy giảm nhận thức nhẹ được xác định là triệu chứng mất trí nhớ về bản thân và những người xung quanh, nhưng không có sự thay đổi trong tính cách và tâm trạng. Không phải ai bị MCI cũng phát triển thành An-dây-mơ nhưng phần lớn là như thế. Do đó, NCT giảm bớt lượng tinh bột trong khẩu phần ăn có thể ngăn chặn được cơ chế phát triển bệnh suy giảm nhận thức nhẹ, từ đó sẽ ngăn được sự tiến triển bệnh mất trí nhớ.