Khi trẻ bị ốm ngoài vấn đề đưa bé đi khám và điều trị bệnh thì các mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng để giúp cho trẻ mau chóng khỏe mạnh hơn. Dưới đây chúng tôi sẽ có những chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ bị ốm đó là:
Dinh dưỡng khi bé bị ho
Khi ốm các bé thường rất lười ăn, đặc biệt khi bị ho bé lại rất dễ nôn trớ. Vậy mẹ phải tránh những thực phẩm nào cho bé nhanh khỏi bệnh và cách ăn ra sao để con không nôn ra hết?
Khi bé ho có đờm thì món ăn nhiều nước là gợi ý hoàn hảo dành cho mẹ. Vì nước sẽ làm loãng đờm nhớt ở cổ họng bé, giúp bé không bị kích thích ho nhiều.
Khi bị ốm, hệ tiêu hóa của bé cũng yếu đi đôi chút nên việc chọn những món ăn dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như soup, cháo, sữa… đảm bảo 4 nhóm (bột, béo, đạm, rau) và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của bé là điều các mẹ cần lưu tâm. Bên cạnh đó, bé cũng rất cần tăng sức đề kháng để chống bệnh. Vì thế, nên cho bé ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ.
Các mẹ cần lưu ý một điều quan trọng nữa chăm sóc bữa ăn cho trẻ là khi con bị ho, nên hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như chiên, xào… Đối với món cá, đôi khi bé có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh hãy cho ăn trở lại. Cho bé uống các loại nước ép như cà rốt, táo, nho, lê hoặc các loại sinh tố ít ngọt.
Hoặc có thể tự làm nước ép cà rốt pha với mật ong (đối với bé trên 1 tuổi), hẹ chưng đường phèn cho bé uống cũng giúp giảm ho. Các bé bị ho rất dễ nôn ra thức ăn vừa ăn vào, vì vậy các mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa, đừng ép con ăn quá nhiều một lúc. Bên cạnh đó, trước khi cho bé ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho bé nằm sấp rồi vỗ về lưng bé nhằm giúp đờm nhớt không còn đọng ở cổ bé. Điều này giúp bé đỡ ho và không bị nôn khi ăn.
Dinh dưỡng cho bé bị sốt
Khi bé bị sốt cơ thể cũng mất nhiều nước và khả năng tiết nước bọt giảm, vì vậy nguyên tắc đầu tiên mẹ chăm con bị ốm cần lưu ý là thường xuyên bổ sung nước cho con.
Với bé còn đang bú mẹ thì trước khi cho con bú, mẹ nên cho bé uống nước, vì nếu cơ thể mất nước bé sẽ bỏ bú. Đối với những bé đã ăn thức ăn bổ sung, mẹ nên cho bé ăn thức ăn loãng, dễ tiêu nhưng vẫn cung cấp đủ chất béo và đạm như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua.
Và một nguyên tắc chung với tất cả các bé bị ốm là mẹ nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi lần chỉ 1/3 bát và chỉ cho bé ăn khi đã hạ sốt.
Dinh dưỡng cho bé tiêu chảy
Đặc điểm của bé bị tiêu chảy là cơ thể mất nước rất nhiều, vì vậy bên cạnh việc cho bé uống dung dịch bù nước Oresol, các mẹ nên cho con uống nhiều nước (nước lọc, nước canh). Có nhiều mẹ quan niệm khi con bị tiêu chảy không nên cho ăn nhiều vì ăn vào bao nhiêu thì ra hết bấy nhiêu, chỉ nên ăn cháo trắng và muối.
Điều hết sức sai lầm, cha mẹ không những không được bắt con ăn kiêng mà cần phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho bé. Với bé dưới sáu tháng tuổi, tiếp tục cho bé bú sữa mẹ nhiều lần hoặc bú sữa bình, người mẹ cần ăn nhiều đạm (thịt, cá) và hạn chế ăn chất xơ như rau xanh. Một số loại quả bé bị tiêu chảy có thể ăn như: đu đủ, hồng xiêm, chuối, xoài, táo, lê…
Còn với bé trên sáu tháng tuổi, cần bổ sung các thực phẩm giàu đạm, bột đường và vitamin như gạo, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, cà rốt, khoai tây… và chế biến thành những thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu. Thịt gà và cà rốt đặc biệt tốt cho những bé bị tiêu chảy. Có một điều các mẹ chăm bé bị tiêu chảy cần đặc biệt chú ý là trong thời gian bé bị tiêu chảy nên giảm các thực phẩm giàu chất xơ; tinh bột nguyên hạt như ngô, đậu; thức ăn có nhiều đường; thức uống có gas vì không những khó tiêu mà còn làm cho bé bệnh nặng thêm.
Mong rằng với những chia sẻ trên đây về vấn đề dinh dưỡng khi trẻ bị bệnh sẽ cho các bạn thêm những kiến thức cần thiết và hữu ích để chăm sóc các bé tốt hơn.
Xem thêm: